Chúng ta đã nói đến nhiều câu chuyện về người từ 30-35 tuổi đi xin việc, và có nhiều người coi đó là một thất bại.
Thú thực, tôi cũng đã từng nghĩ như vậy.
Thời trẻ, tôi quan sát và chứng kiến nhiều người trong công sở họ làm nhiều nhưng công việc lặp đi lặp lại. Họ có những kỹ năng cho một công việc nhàm chán, họ đến công ty để tồn tại như những chú Zombie 9-5. Họ là những cái xác không hồn.
Để rồi họ phụ thuộc vào hệ thống và sẽ bị đào thải nếu phải cạnh tranh với thị trường lao động trẻ hơn họ, rẻ hơn họ và làm trâu hơn họ
Họ chính là cơn ác mộng cho những người trẻ như tôi hồi đó, và thế hệ Gen Z bây giờ.
Tôi đã thề với mình sẽ không bao giờ cho phép mình giống họ.
Năm nay 33 tuổi, tôi lại đang vừa có chặng nghỉ tiếp theo, thứ bao nhiêu rồi chẳng thể nhớ. Tôi lại đang làm hồ sơ xin việc. Ở một mặt nào đó thì tôi cũng xin việc ở tuổi 33. Và chẳng có gì làm đảm bảo năm 35 tuổi tôi lại không xin việc tiếp.
Có những người bảo thế là thất bại, tôi chẳng khác gì họ cả, kém thì mới phải nhảy việc. Đúng hơn là chúng tôi giống nhau, là một lũ thất bại, ăn hại, chưa đủ giỏi để khởi nghiệp làm riêng, mà lại quá già so với Gen Z sáng tạo. Loại như chúng tôi nên vứt vào sọt rác, để cho chat GPT thay thế và cuộc đời dẫm đạp cho biết thế nào là công nhân văn phòng, nô lệ công sở, người lao động hết thời,…
Các bạn còn nói cái gì ác và đau hơn nữa thì nói tiếp đi, thoái mái vào 🤣.
Bởi bạn muốn nói gì thì nói, hiểu gì thì hiểu theo cách hiểu của các bạn, việc của chúng tôi là làm việc và .. xin việc 🤣. Trong bài viết dưới đây, tôi sẽ chia sẻ cách mà tôi suy nghĩ về vấn đề xin việc, cũng như những điều tôi vẫn làm mỗi khi nghỉ việc để các bạn thấy vấn đề này nó cũng chẳng có gì to tát như thế.
img_0

Photo by Brendan Church on Unsplash

Xin việc là gì?

Xin việc là từ mà phần lớn mọi người hiểu sai do tiếng Việt không có cách diễn đạt đủ tốt, và thậm chí trên thế giới cũng hiểu sai nó.
Mình có chơi với duhocsinhMy, vlogger đầu tiên của Việt Nam. Và vlog đầu bạn mình chọn việc kể về định nghĩa làm sao bạn biết mình thực sự giỏi tiếng Anh, đấy là phải cưa được người yêu bản địa.
Phải nói là bạn mình chọn đúng chủ đề hot, tranh cãi nảy lửa đã giúp cho một loạt vloggers đời đầu được sinh ra. JVevermind, Toan Shinoda đã bắt đầu những vlog của mình để chứng minh rằng giỏi tiếng Anh không nhất thiết là phải đi cưa gái.
Xin việc cũng vậy, nó không có ý nghĩa là đi cầu xin một công việc, bằng bất cứ giá nào, như một người ăn xin ngoài đường, dù có thể tôi đã từng phải như vậy thời trẻ, khi xin việc ở nước ngoài. Ở tuổi tôi bây giờ (30-35), xin việc là tìm kiếm công việc phù hợp với giá trị và khả năng của tôi, theo một khái niệm thuận mua – vừa bán, và cực kỳ win-win.
Mà thực ra ở tuổi nào cũng vậy, bạn cần phải hiểu giá trị mình mang lại cho cuộc sống này là gì, để có thể kiếm được tiền từ nó. Mức lương nào cũng sẽ là quá cao, nếu bạn không ý thức được khả năng và giá trị của mình, và biết cách để thuyết phục người khác chấp nhận nó.
Tôi rất hiểu vì sao nhiều người mặc cảm khi thất nghiệp hoặc xin việc, hay nhiều công ty và quản lý tỏ ra trịch thượng với ứng viên
vì tất cả chúng ta đều đã bị lừa…

Cái mà xã hội không dạy bạn

đấy là việc đánh giá đúng giá trị của bạn nằm ở đâu trong cuộc đời, là việc của riêng bạn.
Mức lương của bạn cũng chỉ như là giá cổ phiếu vậy, nó có thể lên hoặc xuống. Và tất nhiên thị trường cũng hoàn toàn có thể overprice hoặc underprice bạn.
Việc của bạn là không ngừng đẩy giá trị mình lên, bằng tất cả thời gian mình có, và thuyết phục người khác đầu tư vào mình. Nếu người này không đầu tư thì bạn đi tìm người khác.
Khi bạn mới ra trường, giá của bạn không cao do bạn không có đủ kỹ năng và uy tín so với người đã đi làm, bạn phải chấp nhận bán sức trẻ để upgrade bộ kỹ năng của mình.
Khi bạn đã 30-35, bạn cần phải có đủ bộ kỹ năng để sinh tồn. Nếu kỹ năng của bạn không đủ để nhảy việc, bạn phải chấp nhận bị quản thúc bởi tổ chức đang không thay thế mình, cho đến khi bạn bị thay thế.
Doanh nghiệp bây giờ không phải là gia đình, và họ tự hào về điều đó. Họ sẵn sàng thay thế bạn để thuê người khác rẻ hơn, trẻ hơn, và phù hợp hơn.
Bạn không còn phù hợp với tổ chức đang làm việc với bạn là một điều rất bình thường. Và nhiều trường hợp, lỗi không nằm ở bạn.
Bạn chỉ có lỗi nếu bạn thực sự không có một kỹ năng gì để xã hội này muốn bạn, và lười không chịu thể hiện điều đó ra với nhà tuyển dụng mà thôi.
Đã qua rồi cái thời mà một người gắn bó với một công ty cả cuộc đời.
Bản chất các công ty bây giờ cũng không hướng đến nghĩa vụ lo cho bạn lâu đến vậy, nên nếu bạn muốn đánh cược tương lai của mình cho lòng nhân ái của lãnh đạo, thay vì kỹ năng của mình, thì đấy là lựa chọn rủi ro của bạn
Xin việc chính xác là đi tìm một công việc phù hợp với giá trị mà mình tạm chấp nhận cho thời điểm hiện tại. Nghỉ việc là khi bạn và công ty không còn cảm thấy phù hợp với những giá trị của nhau nữa. Và trong nhiều trường hợp, bạn chỉ có đúng một quyền duy nhất là bỏ cuộc chơi đó.
Mọi đúng sai chỉ đều là góc nhìn tương đối, chẳng thể nói lên giá trị gì của ứng viên và công ty.
Đừng để những định kiến sai lầm của xã hội dẫn dắt những gì bạn muốn làm và cần phải làm. Bạn có thể ở lại để tôi luyện thêm, hay dứt áo ra đi, quyết định là ở bạn và nó đều có thể đúng cả.
Cái bạn cần biết là nếu bạn sở hữu high-income skills, và xã hội có nhu cầu cho skills đó của bạn, thì bạn cũng có nhiều lựa chọn cho đối tác mình muốn đầu quân về. Đó mới là sự tự do (ở mức cơ bản).

Làm sao để xin việc như một nghệ sĩ

..là một câu hỏi sai lầm.
Nghệ sĩ không xin việc, họ thể hiện cho người khác thấy vẻ đẹp của họ và người ta trả tiền.
Và phần lớn là họ đói.
Bạn muốn xin việc thì bạn cần tiếp cận.. như một nhà khoa học.

Tìm việc như thả bom (Number’s game)

Nguyên tắc của đánh bom không phải là thấy lính ở đâu thì thả rơi đúng ở đó. Mà là rải một loạt bom để nổ xung quanh, chết ai thì chết.
Xin việc cũng vậy, đừng dồn trứng vào một rổ. Hãy rải thật nhiều nơi có nhu cầu phù hợp, xem bên nào nổ điện thoại thì đi hết.
Chưa hết, đừng từ chối một bên vì đã có một bên offer. Hãy lắng nghe offers của tất cả và chọn theo cái gì mình cho là tốt nhất.

Mặt dày lên (Show and tell)

Giờ là lúc nhìn lại các trải nghiệm đã làm và làm nổi bật toàn bộ những kỹ năng và kinh nghiệm bạn có lên, và chuẩn bị các câu chuyện để back-up cho nó.
Hãy update lại CV và thậm chí làm cả các Portfolio về các dự án bạn từng làm để nhà tuyển dụng đọc và đánh giá được bạn thực sự có các kỹ năng họ tìm.

Đừng xin việc một mình (Don’t do it alone)

Nếu bạn chẳng dám hé lộ với ai khác là bạn đang thất nghiệp, thì xin đừng dại thế.
Lên Linkedin, bật open to work, và theo dõi tất cả các diễn đàn trên mạng xã hội có các nhóm đăng việc của bạn.
Comment tích cực bạn đang tìm việc. Bạn sẽ bất ngờ với lượng HR inbox cho bạn
Báo một số người quen, để khi cần họ có thể giới thiệu cơ hội cho bạn
Nếu bạn có giấu ai, thì đó là bố mẹ bạn. Không cần thiết để những người overthinking lo lắng cho mình mà họ cũng chẳng có giải pháp gì ngoài việc làm bạn trở nên lo lắng hơn

Biết mình muốn gì (Know what you want)

Nhiều người mắc sai lầm là chạy theo những gì đang tuyển trên mạng, chờ xem job nào gọi mình thì đi làm tiếp, và mất ăn mất ngủ trong khi chờ.
Hãy tận dụng thời gian này để kết nối với chính mình, xem bạn thực sự muốn gì. Thời gian có trong tay là lúc tuyệt vời để bạn xem mình muốn là ai, cần thiếu gì, và phân bổ thời gian để học các kỹ năng mới, xây dựng các mối quan hệ mới.

Đây là lúc để bạn được lên làm sếp và giao tasks cho chính bạn, thay vì chạy theo những gì một tổ chức khác cần.

Nếu bạn không thực sự biết mình muốn gì, thì mọi chuyến xe bus rồi cũng sẽ quay trở lại bến cũ. Còn nếu bạn biết mình muốn đi đâu, thì chuyến xe tiếp theo sẽ đưa bạn đến gần hơn tới nơi bạn muốn.
img_1

Hãy cứ yên tâm bạn còn sống là còn phải làm việc, mà đã làm việc thì sẽ phải xin việc. Chỉ cần bạn biết đi bằng đôi chân của chính mình, và đầu óc đủ khoẻ để biết mình cần đi đâu, thì bạn chẳng sợ nhảy bus.
Cái khó nhất là có đủ tiền lên bus, thì hãy nhớ kiếm trợ cấp thất nghiệp nha (nếu cần hướng dẫn thì xuống cuối bài contact mình).

Có một dự án riêng (Have a side project)

Cuộc sống của bạn nên có nhiều hơn là công việc chính, và điều đó có nghĩa bạn cần có thú vui.
Để công việc có thể trở thành niềm vui, bạn phải biết cách biến thú vui thành công việc.
Sẽ có lúc những thú vui sẽ là chỗ dựa tinh thần của bạn. Cách hay nhất để cân bằng lại sự thất vọng trong một việc là sự thành công trong một việc khác.
Và thất nghiệp là lúc những thú vui sẽ cứu rỗi cuộc đời bạn. Nếu có thể, hãy chọn các thú vui tiềm năng để có thể biến nó thành một dự án và công việc chính.
Mỗi lần thất nghiệp là cơ duyên để tôi tìm kiếm và kết nối với đứa trẻ bên trong, làm những việc mà tôi cảm thấy thực sự ý nghĩa. Kênh podcast, cuốn tiểu thuyết, dự án hướng nghiệp,… là những thứ giúp tôi thêm sức sống, để nhắc nhở rằng chúng ta cần nhiều hơn là một công việc, một chức danh, một thân phận đóng khung mà xã hội vẽ ra cho mình.
Các bạn rất nên bắt đầu một dự án mới hoặc tiếp tục những cái dang dở để tận hưởng khi thất nghiệp.
Vì thất nghiệp dịch theo từng chữ là không có việc làm, nhưng nếu ta luôn biết mình cần gì thì không bao giờ ta cảm thấy mình vô dụng và thất nghiệp cả, trái lại còn được hưởng trước thành quả của nghỉ hưu sớm.
Thậm chí, ta còn thầm cảm ơn cuộc đời đã cho ta thời gian được làm việc mình muốn, thay vì luôn phụ thuộc vào công việc mà xã hội trả tiền để chiếm lấy thời gian của mình.

Bài học 5 giây

Tổng kết lại thì, ở tuổi (gần) 35, bạn không còn trẻ để mơ mộng, nhưng cũng không có gì phải quá lo lắng. Những gì bạn đã làm chắc chắn có kinh nghiệm, bạn chỉ cần tìm chỗ phù hợp cho bộ kỹ năng của bạn.
Xin việc cũng giống như đi tàu hoả trong thời đại mới, dù không phải mỗi ngày, nhưng mà cứ vài năm bạn sẽ phải đi một lần. Nếu còn trẻ, bạn hãy chú tâm cặm cụi phát triển các kỹ năng của mình, để một ngày nhảy bus.
Còn nếu không còn trẻ nữa, bạn đang gặp phải thế kẹt. Bạn có thể đọc thêm các bài viết của mình trên blog ở dưới đây 👇, hoặc inbox mình để tư vấn hỗ trợ. Mình cũng đã từng ở trong hoàn cảnh của bạn, đã tự thoát thành công, và cũng giúp một số người thoát giống mình. Chỉ cần bạn có niềm tin và kiên nhẫn, thì bạn sẽ làm lại được hết (nếu bạn sống đến hơn 70 tuổi thì bạn mới xài 1/2 cuộc đời thôi à 😉).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *