Thiết tưởng cần phải phân biệt truyện với chuyện. Truyện do óc tưởng tượng của người kể, tường thuật lại, chủ yếu nội dung có tánh cách hư cấu, hoang tưởng không có thực, như truyện Sơn Tinh Thủy Tinh, truyện Tấm Cám, truyện sự tích Trầu Cau, truyện Hòn Vọng Phu…. Còn chuyện là những sự việc, những biến cố có liên quan ít nhiều tới không gian, nơi chốn, địa điểm và thời gian. Chuyện tùy thuộc ít nhiều khả năng bày vẽ, thêu dệt, thêm bớt, để nội dung phong phú dồi dào, từ chuyện Thánh Gióng, tức chuyện Phù Ðổng Thiên Vương, đến chuyện Trụ Vương mê Ðắc Kỷ, chuyện vua Hùng Vương….
Bài viết này gồm những ý nghĩ vụn vặt, những bâng khuâng, rải rác theo ngày tháng. Chúng được gom lại để tạo thành một….. truyện không thành chuyện ……

* * *
(… chuyện đời…. chuẩn bị hành trang…..)

Một buổi sáng thức dậy, đưa mắt nhìn ra ngoài cửa sổ, có khi nào bạn tự hỏi: Cuộc sống này thật sự là thế nào? Bạn đang tìm kiếm điều gì, cái gì sẽ tồn tại với bạn mãi mãi và cái gì sẽ mất đi khi bạn qua đời? Thật khó để trả lời một cách chính xác những điều này, bởi vì bạn vẫn đang trong hành trình tìm đến một lời giải đáp. Khi nào cuộc thám hiểm vào cuộc sống của bạn chưa kết thúc thì câu trả lời sẽ mãi còn dang dở.

Tuy nhiên, không phải cuối cùng ai cũng tìm ra được câu trả lời đúng đắng nhất cho mình. Tùy vào những gì đã trải qua và cảm nhận, chúng ta sẽ có những suy nghĩ, nhận thức khác nhau. Cuộc sống càng tất bật bao nhiêu thì con người càng bị đẩy ra xa hơn những giá trị thực bấy nhiêu. Trớ trêu thay, những giá trị đích thực ấy lại nằm ngay trong chính con người chúng ta. Nó như một người bạn lặng thầm và mạnh mẽ, vẫn ở đó cho đến một ngày ta nhận ra và kết thành người bạn đồng hành, cùng ta đi đến những giá trị vĩnh hằng.

Chúng ta, ai giữa đời cũng như một trang sách mở rộng, ai cũng đọc được và suy diễn theo ý mình, nhưng trang sách tự nó là một đóa hoa không nở hay tàn, vì cái nhìn chủ quan của kẻ khác, như trăng không mọc hay lặng theo lời hẹn ước của đôi tình nhân. Vì vậy, chúng ta phải chuẩn bị, dự định một cái gì đó, vì trang sách có thể đóng lại bất cứ lúc nào.

Những dự định là hành trang vào đời! Cuộc đời là một hành trình. Trên hành trình ấy chúng ta không thể kiểm soát được hết những gì sẽ xảy ra, nhưng chúng ta có thể lựa chọn cho mình một lối đi riêng. Mỗi ngả rẽ trong đời đều cất dấu những bí ẩn thẳm sâu. Ở đó có khi là niềm vui, sự đam mê, cũng có khi lại là nỗi buồn, sự chán nản và thất vọng. Làm thế nào để biết được, đâu là con đường dẫn đến thành công và hạnh phúc? Điều đó phụ thuộc vào chính bạn. Bản thân bạn chứ không phải ai khác là người nắm giữ tương lai của chính mình. Thay vì chỉ chú trọng đến việc thực hiện những kỳ vọng của người khác, bạn nên chủ động phát huy những giá trị của bản thân. Hãy xác định mục tiêu cụ thể để phấn đấu, đồng thời tự tạo ra những cơ hội lựa chọn mới cho bản thân.

Khi không hiểu rõ điều gì là thực sự cần thiết, mọi thứ với bạn sẽ dễ trở thành vô nghĩa. Tương tự, khi không xác định được mình đang đi đâu, con đường bạn đi sẽ trở nên mịt mù, bất trắc. Thành công và tương lai phụ thuộc vào lựa chọn hôm nay. Bởi vậy, hãy chuẫn bị cho mình những hành trang cần thiết để vững tin trên con đường phía trước. Hành trang vào đời còn giúp bạn có những định hướng về nghề nghiệp, về số phận, trong đời sống vật chất và tâm linh,…. sao cho phát huy được hết thế mạnh của bản thân. Quan trọng hơn, nếu bạn là người không thích chờ đợi cơ hội đến với mình một cách thụ động.

(…chuyện đời …. ẩn số của cuộc đời…)

Khi con người không có đáp số về một ẩn số của một đời sống, thì phải dựa vào niềm tin tôn giáo để lý giải và tìm chốn an trú cho mình.

Cái ẩn số đó là nguyên nhân hay nguồn gốc đầu tiên của cuộc sống và nơi an nghỉ cuối cùng của kiếp người, của phần tâm linh không sắc tướng.

Nếu tin rằng, mỗi người còn có ‘cái gì đó’ vẫn tiếp diễn sau sự chết, thì cái ẩn số đó từ đâu mà có, và đâu là chốn tận cùng vĩnh diễn của sự ra đi và của sự quay về.

Tôi đang cố tìm, cố nghĩ, nhưng vẫn chưa tìm ra và nghĩ ra nó. Nếu bắt tôi nhắm mắt tin vào một đấng vô hình, có quyền năng tuyệt đối tối cao nào đó, thì tôi xin từ chối. Mặc dù tôi tôn kính tên gọi của những đấng đó hay lực đó và tôn trọng đức tin riêng của mỗi người, nhưng tôi không có lý do để tin vào một ẩn số hay một câu hỏi chưa có câu trả lời. Tôi nghĩ tất cả cũng chỉ là một tên gọi khác của cái ẩn số lớn nhất, chưa có đáp số rạch ròi, như chúng ta đang nói đến mà thôi.

Ðạo Hồi có đấng A-La, đạo Chúa gọi là Thượng Ðế, đạo Phật không nhận có nguyên nhân đầu tiên và cuối cùng, mà tất cả là một chuỗi Duyên, Nghiệp trùng trùng từ vô thủy đến vô chung…. Rất có thể họ đều đúng và phù hợp theo đức tin của họ. Một khi đã gọi là đức tin mà còn lâm vào vòng tranh cãi để làm sáng đức tin của mình và chối bỏ đức tin của người khác, là một việc làm đầy vọng động. Tôi cũng cần có một cái phao hay một nơi an trú cho tâm linh, nhưng chưa tìm ra. Thà không có, vẫn còn đỡ hơn là cố thuyết phục mình tin gượng ép vào điều mình chưa nắm vững. Ngụy tín và đức tin là hai mặt sáng và tối của con người. Thật là hạnh phúc cho ai đó, nếu họ xây dựng được một niềm tin chân thật.

Trong thời đại hiện tại, nhiều người trong chúng ta đang chuyển hướng từ khuynh hướng lệ thuộc và tôn sùng vật chất sang khuynh hướng gần gũi, tiếp cận với nếp sống tinh thần. Đặc biệt giới trí thức phương tây bắt đầu tìm hiểu và thực hành đạo Phật. Trí thức tìm đến Phật giáo để tìm câu trả lời hợp lý cho ý nghĩa và sự biến chuyển của đời sống. Giới doanh thương tìm đến Phật giáo để giảm bớt sự căng thẳng do sự bon chen, cạnh tranh và tính toán gây ra. Phật giáo đến với xã hội Âu Mỹ ngày nay không phải bằng đức tin tôn giáo thuần túy mà bằng tinh thần khám phá khoa học, chú trọng về đời sống tinh thần.

Quan niệm tách rời tâm và vật, thể xác và tinh thần trong tư duy cũng như trong hành động của đời sống con người đang trở thành quá khứ trước những khám phá và thành tựu của khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Con người chẳng phải là một cây sậy hay một nguồn tư duy thuần túy riêng biệt. Có một sự tương tác – tác động qua lại – thường xuyên và thiết thân giữa đời sống tâm linh và đời sống vật lý. Con người là một hợp thể hài hòa tuyệt vời giữa hai đối cực như buồn vui, thương ghét, khổ sướng, giàu nghèo… mà mỗi cực tự trong bản thân nó đã hàm chứa bao nhiêu là yếu tính của vật chất lẫn tinh thần. Ngay như trong dòng sữa Mẹ đầu đời đã là một hình ảnh tâm vật tương quan. Nếu chỉ có “tâm” mà thôi thì lòng mẹ thương con cũng đủ, đâu cần dòng sữa tinh huyết của mẹ chảy vào lòng con và đời con. Nếu chỉ có “vật” mà thôi thì sữa hóa học, sữa lon, sữa bò… cũng đủ, đâu cần hơi ấm tình thương của mẹ ấp ủ trong từng giọt sữa nuôi con. Chúng ta sống và nhìn sự sống bằng cái nhìn toàn diện trong mối tâm vật tương quan. Bưng một bát cơm dẽo thơm, chúng ta nhìn hạt cơm mà tưởng đến bàn tay cần cù và tinh thần chịu khó của người nông dân, nhớ đến con trâu cày lao nhọc, vẳng tiếng gà gáy sớm đầu canh, thoáng tiếng mưa tưới vào đồng lúa…

Khoa học càng phát triển, đạo Phật càng tự chứng tỏ được tính khách quan và luận lý khoa học không phai cũ với thời đại. Nhà vật lý Albert Swanton cho rằng, chưa bao giờ lý thuyết Tánh không và Trung đạo của Phật giáo gần với những định đề khoa học bằng lúc này. Đó là khi những nhà lý thuyết vật lý học hiện đại chứng minh tốc độ ánh sáng thay đổi và ánh sáng đi theo đường cong rồi cuối cùng, cuộc hành trình tưởng như vô lượng, vô biên ấy sẽ có ngày quay trở về điểm cũ. Cái muôn trùng vô tận tưởng như không có gì sánh nổi ấy hóa ra không diệt, không sinh gì cả để cho điểm khởi đầu và kết thúc chỉ là một.

(…chuyện đời …. một chuyện trong nhiều chuyện…)

Ai buồn, ai vui, ai được, ai mất trong cuộc đời ‘Ði – Về’ này, thì tự mình, mình biết. Con thú rừng hoang ra đi trong im lặng, nhưng con người nằm xuống giữa ồn ào. Càng ăn no, càng to đám. Ðám đế vương, quý tộc và hào phú lại còn là cơi hội diễn tuồng cảm xúc. Cảm xúc cho người sống ngắm nhìn, chứ không phải cho người mới ra đi. Tất cả bề mặt bên ngoài, kể cả nước non, con người và cây cỏ bắt buột phải biết buồn. Khóc cười cho nhau là tình cảm chân thành. Khóc cười cho nhau là tiểu xảo của nghệ thuật sống. Nổi buồn chân thật quặn mình phát khởi tự đáy lòng và cái buồn trang trí cho phải phép chẳng bao giờ giống nhau trong bản chất. Nhưng trong cánh biểu hiện thì quả là một nghệ thuật. Nghệ thuật chân chính và nghệ thuật điêu ngoa. Nhiều khi cái điêu có vẻ ngay hơn cái thật và cái tà lại thật hơn cái chánh. Nghệ thuật sống chân chánh và nghệ thuật sống điêu ngoa là sản phẩm của xã hội nhất thời. Nhưng khuynh hướng tâm lý thường là sản phẩm của điều kiện lịch sử và địa lý lâu dài.

(…chuyện đời …. cái có …. cái không ..)

Sau khi chết, có ai được lên cõi trời hay không, thì câu trả lời vẫn nửa tin nửa ngờ. Nhưng ai cũng phải về với đất. Ðó là rõ ràng như chân lý. Ðất là mẹ là chốn an nghỉ sau cùng. Ðất đối xử với mọi người đều bình đẵng. Ðất không mở cửa cho vua, mà cũng không khép lại trước mặt dân nghèo. Chết là khép lại khung cửa thường bỏ trống trên một đời người : Cửa vô thường. Thế nhưng vô thường lại rất thường vì ai cũng phải đi qua cửa đó.

Khi trang sách khép lại, hay đời người khép lại, nếu chết là hết, thì không có gì để nói thêm ! Nếu trái lại, chúng ta có một hành trình mới, một cuốn sách mới, một trang sách mới được mở ra. Như vậy, chúng ta bắt buột phải vấn thân vào một phiêu lưu mới. Ðể chuẩn bị cho chuyến phiêu lưu đó, chúng ta hãy xem lại những gì được coi là quý ở đời này, để mang theo mà dùng. Cái gọi là quý khi nó sẽ được xử dụng đích đáng trong hành trình mới. Chúng ta thử kiểm điểm lại xem ! Chúng ta sẽ thấy những thứ đó nằm trong hai loại : một loại không thể mang theo, vì chúng thuộc về loại hoại diệt bởi vô thường của cuộc đời này; và một loại bắt buột phải mang theo dù muốn hay không, loại này không hoại diệt. Như vậy, chúng ta chỉ cần săn sóc, chăm bón, làm cho phong phú thêm lên những cái phải mang theo trong hành trang, để mà tiện dùng trong hành trình sắp tới.

Thế giới quan nhà Phật là thế giới Vô Ngã, trong đó mọi sự vật không hoại diệt, tức là không mất đi và có tánh Không, mà người ta còn gọi là cái Không. Tức là nó có rồi không mất. Những thứ không thuộc về thế giới quan nhà Phật (thế giới cái Ngã), thì sanh sanh diệt diệt, tức là không tồn tại mãi mãi. Người ta gọi những thứ đó là cái Có. Tức là nó có rồi mất.

Chết là chấm dứt cái Có và bắt đầu cái Không ; là chấm dứt cái Ngã để đi vào Vô Ngã hay chỉ là một cuộc hành trình mới, mang cái tâm Có-Không, cái ngã Thiện-Ác đi vào cõi vô cùng hay đi sang một hành trình hay một cuộc đời khác ? Như vậy, trong hành trình mới được mang theo, cái tâm Có-Không (tâm chưa trong sạch, tâm trong sạch là tâm-Không) và cái ngã Thiện-Ác (cái nghiệp không hoàn toàn lành).

Vấn đề đặt ra là làm sao để có cho cuộc hành trình mới: một tâm không và nghiệp thiện.

Tôi không nghĩ cái Không trong đạo Phật mang ý nghĩa là ‘chẳng có’ như đối với không, giàu đối với nghèo, đói đối vời no. ‘Không’ ở đây là một trạng thái rỗng lặng hoàn toàn. Không có gì trước, chẳng có gì sau. Không có gì lớn hơn, chẳng có gì nhỏ hơn. Không có hai bề, chẳng có hai phía, không phân hai trạng thái khác nhau nên chẳng thể nào diễn tả, lý luận, so sánh được. Nếu ‘không thể diễn tả, lý luận, so sánh’ thì làm sao mà hiểu được ? Vì vậy, có câu kinh sau đây :

‘Phật, chúng sanh : Tánh thường rộng lặng.
Ðạo cảm thông : không thể nghĩ bàn’.

Câu kinh này dạy chúng ta về cái Không : tự mình thấy được, gần được, nghe được mới cảm thông ; có cảm thông mới hiểu được. Vậy là rắc rối rồi, vì phải vào cuộc để tìm nó, để hiểu nó, chứ không phải ngồi mà suy ngẫm.

Cái Không là một báu vật phải tự mình tìm lấy và tìm thấy, kho tàng của cải không mua được. Ngày trước, Tần Thủy Hoàng cố đem cái Có tầm thường giữa cuộc đời để mua cái Không siêu tuyệt của hàng đại trí, nên đâu có đủ vốn để mà mua. Trần Nhân Tông đem cái Không giữa trần đời, để mua cái Không trong chân tâm, nên người đời nghĩ là ông ta mua được. Cái Tâm Không mới chính là bản ngã siêu tuyệt của con người. Cái Không là báu vật mang đến sự an lạc vĩnh hằng. Tần Thủy Hoàng có Vạn Lý Trường Thành, dùng bạo lực để xây dựng đại vương triều, cung vàng điện ngọc, nên cái tâm vắng bóng. Khi cái tâm vắng bóng thì cũng như kẻ nghèo cháy túi, sống còn chưa đủ, lấy gì để mua báu vật trên đời. Trần Nhân Tông bỏ ngai vàng như bỏ đôi dép cũ, nên cái tâm hiễn lộ. Cái tâm là vốn duy nhất để ông mua được cái Tâm Không , làm chủ một vùng trời an lạc.

Nói là triết lý của cái Không rất cao siêu cũng được, mà nói nó tầm thường cũng chẳng sai. Thí dụ người xưa dạy : để hiểu một người, thì phải rũ bỏ hết tất cả những lớp vỏ, đập vở mọi ý nghĩ có trước và có sau về người đó, để thấy được người đó như chính họ là họ.. ’. Chúng ta thấy lời dạy này có thể cao siêu, mà cũng có thể rất tầm thường. Phải chăng ý niệm của chính anh là anh, cái chính tôi là tôi là cái tánh thật, tánh ‘y như vậy’ , Tánh Không nơi mỗi người ? Tầm thường thật, nhưng cũng chẳng tầm thường đâu, tùy theo chúng ta dừng sự hiểu biết về nó ở mứt độ nào.

Ðã biết Tần Thủy Hoàng lấy cái Có mà mua cái Không, nên không mua được, vì cái Không nó nằm ngay trong ta chứ đâu có ở bên ngoài mà mua. Nếu chúng ta càng nói về cái Không chừng nào, cái Không càng mất dạng chừng đó, vì nó chẳng phải là cái mặt trời hay mặt trăng để ta diễn tả. ‘Không’ là một trạng thái, một ý niệm để chiêm nghiệm và chứng nghiệm, không phải để nói, để vẽ hình hay tạc tượng. Cái Không, cái Vô Ngã trong đạo Phật có mặt ngay trong cuộc sống hiện sinh nầy, chứ đâu phải đợi tới khi sống chết luân hồi mới xuất hiện.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *